ĐÁI
THÁO ĐƯỜNG ĐÁNG SỢ RA SAO?
Đái tháo đường
(ĐTĐ) được xem là một trong những “đại dịch” của nhân loại trong thế kỉ 21 vì
tính chất phổ biến và những biến chứng nguy hiểm của nó gây ra cho người bệnh.
Những biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt và lao động, như
đục thủy tinh thể, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim,… Tuy nhiên,
một loại biến chứng đái tháo đường cũng rất nguy hiểm nhưng lại ít được người bệnh
quan tâm là những tổn thương bàn chân do ĐTĐ, nếu không được điều trị kịp người
bệnh có nguy cơ phải đoạn chi và thậm chí có thể bị đe dọa tính mạng
Loét chân do ĐTĐ
hay còn gọi là “bàn chân đái tháo đường” được xem là nguyên nhân hàng đầu gây cắt
cụt chi không do chấn thương ở người bệnh ĐTĐ. Ước tính hàng năm có khoảng 1 –
4% người bệnh ĐTĐ bị loét chân và 10 – 15% người bệnh ĐTĐ có ít nhất 1 lần
loét chân trong đời từ khi được chẩn đoán mắc bệnh.
Các yếu tố làm
gia tăng nguy cơ loét chân và cắt cụt chi ở người bệnh ĐTĐ bao gồm: thời gian mắc
bệnh kéo dài trên 10 năm, đường huyết không được kiểm soát tốt và có nhiều biến
chứng kèm theo như biến chứng thần kinh, mạch máu ngoại biên và biến dạng bàn
chân. Việc điều trị bàn chân ĐTĐ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức chưa
đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh. Đa số người bệnh chỉ đến khám khi bàn
chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở
nên vô cùng khó khăn. Hơn thế nữa, việc điều trị bàn chân ĐTĐ khá phức tạp, đòi
hỏi sự phối hợp đồng thời nhiều chuyên khoa. Vấn đề cốt lõi chúng ta cần chú trọng
nhất chính là phòng ngừa và phát hiện sớm biến chứng bàn chân do ĐTĐ, từ đó mới
có thể làm giảm khả năng cắt cụt chi cho người bệnh.
Vừa qua, Trung
tâm y tế (TTYT) thành phố Thuận An tiếp nhận điều trị trường hợp người bệnh L.T.N.A
sinh năm 1956. Người bệnh có tiền căn ĐTĐ type 2 hơn 10 năm nay, cách nhập viện
2 tháng, bệnh xuất hiện vết loét nhỏ ở bàn chân phải, sau đó lan rộng hơn, chảy
dịch đục, hoại tử đen cả bàn chân phải, sốt cao. Người bệnh được đưa vào cấp cứu
với tình trạng lừ đừ, khó tiếp xúc, huyết áp 90/60 mmHg, mạch nhanh, thở nhanh,
sốt cao, bàn chân phải sưng, nóng, hoại tử đen, rỉ dịch đục, có mùi hôi, mạch
mu chân phải khó bắt. Xét nghiệm máu bạch cầu tăng rất cao 68K/ul (bình thường
4-10K/ul), đường huyết cao, siêu âm mạch máu bàn chân phải ghi nhận tắc mạch
mu, chày sau, ... Qua thăm khám, bác sĩ nhận định đây là tình trạng nhiễm trùng
huyết nặng từ hoại tử bàn chân phải trên người bệnh ĐTĐ, nguy cơ tử vong cao nếu
không được can thiệp cắt cục phần hoại tử kịp thời, người bệnh được chỉ định nhập
khoa Hồi sức tích cực- chống độc (HSTC-CĐ). Tại khoa HSTC-CĐ người bệnh được
theo dõi sát sinh hiệu, sử dụng kháng sinh phổ rộng, bù dịch, dinh dưỡng tĩnh mạch,
cắt lọc phần hoại tử bàn chân phải. Sau đó, bác sĩ tiến hành hội chẩn với bác
sĩ khoa Ngoại chấn thương, khoa Gây mê hồi sức – phẫu thuật đề điều trị tối ưu
nhất cho bệnh nhân. Sau cuộc hội chẩn, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt
cục phần hoại tử, làm mỏm cụt lúc 9h30 ngày 25/5/2023. Sau cuộc phẫu thuật kéo
dài gần 2 tiếng, người bệnh tiếp tục được hồi sức sau mổ, đến 15 giờ 30 cùng
ngày, người bệnh được chuyển lại đơn vị ICU để theo dõi và điều trị tiếp. Sau 05 ngày điều trị, chăm sóc toàn diện, tình trạng bệnh nhân
ổn định, sinh hiệu ổn, hết sốt, vết mổ lành tốt, đường huyết kiểm soát tốt,
có thể tự ăn uống qua đường miệng. Đây được coi là trường hợp đầu tiên, các y
bác sĩ thuộc TTYT thành phố Thuận An tiến hành đoạn chi cho người bệnh có nhiều
bệnh nền khác kèm theo, là bước tiến mới trong điều trị nội- ngoại khoa kết hợp,
tạo thuận lợi cho người dân địa phương có điểm đến điều trị thay vì phải chuyển
lên tuyến trên, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế chuyên sâu trên địa bàn tỉnh
và các tỉnh lân cận.
Hình 1: Tình trạng hoại tử bàn chân phải của bệnh nhân lúc nhập viện.
Hình 2 : Trong quá trình cắt lọc ghi nhận giòi ký sinh.
Hình 3: Bác sĩ tiến hành đặt CVC để theo dõi sát người bệnh.
Hình 4: Điều dưỡng chăm sóc vết mổ cho người bệnh
BS. Ngô Trung Hiếu - TTYT TP.Thuận An