Tổng đài CSKH: 02743.755.434 Đường dây nóng: 02743.755.434
Cấp cứu 24/7: 02743.755.434
image banner
Hệ lụy từ việc giảm mức sinh thay thế

Chênh lệch mức sinh còn cao

Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng quy mô và cơ cấu dân số tại một quốc gia. Mức sinh vừa là yếu tố tác động, vừa là yếu tố phản ánh mức độ phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia.

Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa, từ tổng tỷ suất sinh (TFR) là 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019, góp phần làm giảm tốc độ tăng dân số trong thời gian qua.

Kết quả này tiếp tục khẳng định, Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình và đã đạt được mục tiêu giảm sinh (với tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi chuyển từ nhóm cao nhất là 20-24 tuổi sang nhóm 25-29 tuổi).

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho biết, mức sinh tại Việt Nam đã tiệm cận mức sinh thay thế trong thập kỷ qua nhưng có sự khác biệt giữa các vùng miền, địa phương và các nhóm dân số khác nhau.

Hiện nay, mức sinh của khu vực nông thôn cao hơn mức sinh thay thế và cao hơn mức sinh của khu vực thành thị (TFR tương ứng là 2,26 con/phụ nữ và 1,83 con/phụ nữ).

Năm 2021 so với 2020, TFR chung của cả nước và khu vực thành thị giảm nhẹ tương ứng với (0,01 con/phụ nữ và 0,27 con/phụ nữ ), tuy nhiên ở khu vực nông thôn lại tăng 0,11 con/phụ nữ.

Năm 2021, TFR của khu vực thành thị là 1,64 con/phụ nữ thấp hơn con số 2,4 con/phụ nữ của khu vực nông thôn.

Theo kết quả Điều tra biến động dân số năm 2021, có 3 nhóm TFR gồm: Nhóm 1-dưới mức sinh thay thế (TFR dưới 2,1 con/phụ nữ) có 22 tỉnh, thành phố; nhóm 2-bằng mức sinh thay thế đến dưới mức sinh 2,5 con/phụ nữ (TFR từ 2,1 đến dưới 2,5 con/phụ nữ) có 29 tỉnh, thành phố; và nhóm 3-mức sinh cao (TFR từ 2,5 con/phụ nữ) có 12 tỉnh, thành phố.

Trung du và miền núi phía bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất hiện nay (tương ứng mỗi vùng TFR là 2,43 con/phụ nữ), trong đó Tây Nguyên là vùng có mức sinh giảm nhiều nhất trong vòng 2 thập kỷ qua.

Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có mức sinh thấp nhất cả nước và thấp hơn mức sinh thay thế (TFR tương ứng là 1,56 con/phụ nữ và 1,80 con/phụ nữ).

 

Trong số các dân tộc có quy mô dân số trên 1 triệu người, dân tộc Mông có mức sinh cao nhất, mặc dù đây là dân tộc có mức sinh giảm nhiều nhất trong vòng 30 năm qua (TFR từ 9,30 con/phụ nữ năm 1989 xuống còn 4,96 con/phụ nữ năm 2009 và 3,59 con/phụ nữ năm 2019).

Bên cạnh đó, một số dân tộc có quy mô dân số từ 1 triệu người trở lên cũng có mức sinh giảm.

Bước sang năm 2022, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) là 2,01 con.

Thực tế, khu vực khó khăn hiện vẫn có mức sinh cao, có nơi rất cao, trong khi đó khu vực đô thị, kinh tế xã hội phát triển hầu như đều có mức sinh thấp, thậm chí có nơi rất thấp.

"Trong khi một số tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu... mức sinh chưa đến 1,4 con/phụ nữ thì tại Hà Tĩnh, Nghệ An, mỗi phụ nữ lại sinh gần gấp đôi (khoảng 2,7-2,8 con/phụ nữ)", ông Tú cho hay.

Điều này dẫn đến sự mất cân đối về dân số, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu dân số, sự phát triển kinh tế-xã hội.

Giải bài toán chênh lệch mức sinh

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho biết, mức sinh tại các vùng, các tỉnh đang có sự chênh lệch nhau rất lớn.

Hiện nay, có những địa phương đã giảm sâu mức sinh dưới mức thay thế, trong khi đó, nhiều tỉnh vẫn còn ở mức cao. Điều này một lần nữa cho thấy cái khó của công tác dân số.

“Rõ ràng, kế hoạch hóa gia đình mang lại lợi ích cho từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Nhà nước vận động, khuyến khích, hỗ trợ nhưng 61 năm nay nhiều tỉnh vẫn chưa đạt được mục tiêu mỗi cặp vợ chồng có 2 con.

Tình trạng này cho thấy chính sách dân số hiện nay phức tạp hơn rất nhiều so với trước đây vì phải thích hợp với mức sinh của từng vùng về mục tiêu và giải pháp”, Giáo sư Nguyễn Đình Cử nói.

Theo các nhà xã hội học, một số nguyên nhân dẫn đến biến động mức sinh của các vùng kinh tế-xã hội có thể là do di cư, văn hóa vùng miền, trình độ phát triển kinh tế-xã hội của các vùng.

                                                                                                                                    Nguồn: NDO

 

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1